Quy chế làm việc năm học 2017-2018
PHÒNG GD&ĐT ĐÔNG TRIỀU TRƯỜNG MN XUÂN SƠN Số : 127/QĐ-MNXS
| CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Xuân Sơn, ngày 16tháng 10 năm 2017 |
QUYẾT ĐỊNH
V/v ban hành Quy chế làm việc
của trường Mầm non Xuân Sơn năm học 2017-2018
HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG MẦM NON XUÂN SƠN
Căn cứ Pháp lệnh cán bộ công chức;
Căn cứ Luật Giáo dục được Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam điều chỉnh, thông qua ngày 14/6/2005;
Căn cứ vào Điều lệ trường mầm non Ban hành kèm theo Quyết định số 04/VBHN-BGDĐT ngày 24 tháng 12 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Công văn hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2017 - 2018 của phòng Giáo dục và Đào tạo Đông Triều;
Căn cứ kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học 2017-2018 của trường Mầm non Xuân Sơn,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy chế làm việc của trường Mầm non Xuân Sơn năm học 2017-2018.
Điều 2. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Cán bộ, viên chức, người lao động đang làm việc tại trường và cá nhân, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: - Phòng GD&ĐT (b/c); - TT Đảng ủy; UBND phường (b/c); - Các đoàn thể trong trường (t/h); - Như Điều 3 (thực hiện); -Lưu:VT. | HIỆU TRƯỞNG (Đã ký)
Dương Thị Bích Nhàn |
QUY CHẾ LÀM VIỆC
CỦA TRƯỜNG MẦM NON XUÂN SƠN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 127 /QĐ-MNXS ngày 16/10/2017
của Hiệu trưởng trường Mầm non Xuân Sơn)
CHƯƠNG I: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Phạm vi đối tượng điều chỉnh
1. Quy chế này quy định về nguyên tắc, chế độ trách nhiệm, lề lối làm việc, quan hệ công tác và trình tự giải quyết công việc của trường Mầm non Xuân Sơn.
2. Các thành viên của trường Mầm non Xuân Sơn, Hiệu trưởng, các đoàn thể, các bộ phận chuyên môn chịu sự điều chỉnh của quy chế này.
Điều 2: Nguyên tắc làm việc của trường mầm non Xuân Sơn.
1. Trường Mầm non Xuân Sơn làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, bảo đảm phát huy vai trò của lãnh đạo tập thể, đồng thời đề cao trách nhiệm cá nhân của Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng và từng bộ phận chuyên môn.
2. Trường mầm non Xuân Sơn trực tiếp Hiệu trưởng là người có thẩm quyền cao nhất trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ và chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng GD&ĐT Đông Triều. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo chung các hoạt động của trường, đồng thời chịu trách nhiệm thực hiện một số công tác kiêm nghiệm của ngành, địa phương phân công.
3. Trong phân công công việc, đầu việc được giao cho người phụ trách chịu trách nhiệm, cấp trên không làm thay việc cho cấp dưới, tập thể không làm thay việc cho cá nhân và ngược lại ... công việc được giao cho Phó hiệu trưởng được Hiệu trưởng phân công chỉ đạo công tác chuyên môn chung của nhà trường chịu trách nhiệm trực tiếp trước Hiệu trưởng và cùng chịu trách nhiệm trước Phòng GD&ĐT Đông Triều về phần nhiệm vụ được phân công.
Các tổ chuyên môn của trường chịu trách nhiệm tổ chức điều hành hoạt động của tổ, theo dõi ngày giờ công của các tổ viên, thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Hiệu trưởng, hiệu phó chuyên môn và chịu trách nhiệm chính về công việc của mình trước Hiệu trưởng và phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn của trường; đoàn thể, tổ chuyên môn phụ trách thì các bộ phận phải chịu trách nhiệm về công việc được giao.
4. Hoạt động của nhà trường được thực hiện theo hướng dẫn của sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh, Phòng GD&ĐT thị xã Đông Triều và hệ thống các văn bản pháp qui, quy định hiện hành có liên quan đến hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ. Tuân thủ trình tự, thủ tục và thời gian giải quyết công việc theo quy định pháp luật, chương trình kế hoạch và quy chế làm việc của trường Mầm non Xuân Sơn.
5. Đề cao sự phối hợp công tác trao đổi thông tin, làm việc, đảm bảo dân chủ, minh bạch mọi hoạt động theo đúng phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật và Nhà nước quy định.
CHƯƠNG II: TỔ CHỨC BỘ MÁY
Điều 3 : Hiệu trưởng – Phó Hiệu trưởng
Trường mầm non Xuân Sơn có 01 Hiệu trưởng; 02 Phó Hiệu trưởng. Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng do UBND thị xã Đông Triều bổ nhiệm.
Phó Hiệu trưởng thực hiện nhiệm vụ (theo phân công của Hiệu trưởng) các Phó Hiệu trưởng nhận nhiệm vụ theo quy định chi tiết tại Quy chế này.
Điều 4: Tổ chuyên môn - nghiệp vụ
1. Tổ chuyên môn: Được chia thành 2 tổ gồm: Tổ mẫu giáo và tổ nhà trẻ.
2. Tổ văn phòng: Gồm các nhân viên làm công tác kế toán, thủ quỹ, văn thư, y tế và các nhân viên khác.
Điều 5: Hội đồng trường:
Thực hiện theo Quyết định số 04/VBHN-BGDĐT ngày 24/12/2015 của bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về Điều lệ trường Mầm non;
Điều 6: Các Hội đồng trong nhà trường:
Các Hội đồng trong nhà trường do Hiệu trưởng thành lập trong năm học và làm Chủ tịch Hội đồng.
1. Hội đồng thi đua và khen thưởng: Thành lập vào đầu năm học để giúp Hiệu trưởng tổ chức các phong trào thi đua, đề nghị khen thưởng đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trong nhà trường. Các thành viên của Hội đồng gồm: Hiệu trưởng (Chủ tịch), các Phó Hiệu trưởng, đại diện Chi uỷ Chi bộ, Chủ tịch Công đoàn, Bí thư Đoàn thanh niên, các Tổ trưởng chuyên môn, Tổ trưởng văn phòng.
2. Hội đồng kỷ luật: Việc thành lập, thành phần và hoạt động của Hội đồng này được thực hiện cho từng vụ việc và theo quy định của pháp luật.
3. Các Ban chỉ đạo: Được thành lập cho từng công tác hoặc lồng ghép một số lĩnh vực công tác để đồng bộ trong chỉ đạo hoạt động, điều hành, tránh chồng chéo. Mỗi Ban chỉ đạo phải xây dựng quy chế hoạt động riêng.
Điều 7: Tổ chức Đảng Cộng Sản Việt Nam và các đoàn thể.
Nhà trường có Chi bộ Đảng, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Công đoàn cơ sở được thành lập và tổ chức theo điều lệ Đảng, Đoàn, Công đoàn.
Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhà trường và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật thông qua quy chế hoạt động của Chi ủy.
Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức xã hội khác trong nhà trường hoạt động theo quy định của pháp luật thông qua Quy chế phối hợp với Hiệu trưởng nhằm giúp nhà trường thực hiện mục tiêu, nguyên lý giáo dục.
CHƯƠNG III: NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 8: Nhiệm vụ, quyền hạn và cách thức giải quyết công việc.
- Hiệu trưởng:
* Nhiệm vụ, quyền hạn.
a) Xây dựng quy hoạch phát triển nhà trường; lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục từng năm học; báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện trước Hội đồng trường và các cấp có thẩm quyền;
b) Thành lập các tổ chuyên môn, tổ văn phòng và các hội đồng tư vấn trong nhà trường, bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó. Đề xuất các thành viên của Hội đồng trường trình cấp có thẩm quyền quyết định;
c) Phân công, quản lý, đánh giá, xếp loại; tham gia quá trình tuyển dụng, thuyên chuyển; khen thưởng, thi hành kỷ luật đối với giáo viên, nhân viên theo quy định;
d) Quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài chính, tài sản của nhà trường.
đ) Tiếp nhận trẻ em, quản lý trẻ em và các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em của nhà trường, quyết định khen thưởng, phê duyệt kết quả đánh giá trẻ theo các nội dung nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định;
e) Dự các lớp bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ quản lý; tham gia các hoạt động giáo dục (dự giờ) 2 giờ/tuần; được hưởng chế độ phụ cấp và các chính sách ưu đãi theo quy định;
f) Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội trong nhà trường, hoạt động nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ;
g) Thực hiện XHH GD, phát huy vai trò của nhà trường đối với cộng đồng.
* Cách thức giải quyết công việc.
Hiệu trưởng có trách nhiệm trực tiếp báo cáo với trưởng phòng GD&ĐT đến kiểm tra công tác của trường và trực tiếp làm việc với các cơ quan về những công việc có liên quan đến công tác chăm sóc giáo dục.
Chịu trách nhiệm chung mọi hoạt động của Nhà trường và trực tiếp chỉ đạo công tác hành chính, công tác tổ chức, tổ trưởng chuyên môn, trưởng ban thi đua, khen thưởng - kỷ luật của trường.
Tổ chức bộ máy Nhà trường, xây dựng kế hoạch, phân công giáo viên đứng lớp, xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm học, phụ trách "Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"
Quản lý giáo viên, nhân viên, học sinh, phân công kiểm tra đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ giáo viên nhân viên
Chủ tài khoản, quản lý hành chính, tài chính, tài sản của Nhà trường và các loại hồ sơ của Nhà trường.
Lên kế hoạch tu sửa CSVC của nhà trường báo cáo với địa phương và Phòng Giáo dục.
Chủ trì các hội nghị, các cuộc họp của nhà trường. Tổ chức tốt hội nghị CB, VC, LĐ hàng năm, chăm lo đến đời sống CB, VC, LĐ trong nhà trường, có kế hoạch tạo điều kiện cho các đ/c CB, VC, LĐ đi học để nâng cao trình độ.
Lên kế hoạch dự giờ thăm lớp tháng một lần, kiểm tra và duyệt kế hoạch giảng dạy của các thành viên trong trường sau khi hiệu phó chuyên môn đã duyệt.
Thường xuyên nắm bắt tình hình các vấn đề vướng mắc để giải quyết kịp thời, thỏa đáng.
- Phó hiệu trưởng:
a) Chịu trách nhiệm điều hành công việc do hiệu trưởng phân công;
b) Điều hành hoạt động của nhà trường khi được hiệu trưởng ủy quyền;
c) Dự các lớp bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ quản lý; tham gia các hoạt động giáo dục 4 giờ trong một tuần; được hưởng chế độ phụ cấp và các chính sách ưu đãi theo quy định.
2.1. Đ/c Hoàng Thị Thanh Hoa
- Phụ trách chuyên môn về nội dung giáo dục, xây dựng kế hoạch chỉ đạo hoạt động chuyên môn, Quản lý các loại hồ sơ chuyên môn của Nhà trường, hồ sơ tuyển sinh, sổ kiểm tra, đánh giá công tác chuyên môn của giáo viên. Trực tiếp chỉ đạo chuyên môn trong nhà trường, xây dựng kế hoạch chuyên môn và kế hoạch giáo dục các độ tuổi. Hướng dẫn và triển khai cho giáo viên lập kế hoạch tháng, tuần theo từng chủ đề.
- Cùng BGH dự giờ, kiểm tra hồ sơ sổ sách và xếp loại GV hàng tháng.
- Giải quyết, điều hành các công việc của trường khi đ/c Hiệu trưởng đi công tác, ủy quyền.
- Phối hợp với các lực lượng xã hội để chăm lo cho công tác giáo dục trẻ, các phong trào thi đua, VHVN, TDTT.
- Phụ trách công tác phổ cập GD, CNTT, CSVC thiết bị dạy học, theo dõi tài sản các nhóm lớp.
- Giám sát việc thực hiện chương trình, ngày giờ công của CBGV.
- Phụ trách điểm trường Trung tâm.
- Các nhiệm vụ khác khi được phân công.
2.2. Đ/c Đoàn Thị Thùy Dương
- Phụ trách công tác chăm sóc sức khỏe và nuôi dưỡng trẻ. Xây dựng kế hoạch và triển khai bồi dưỡng công tác nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ trong toàn trường.
- Xây dựng thực đơn hàng tuần, cùng với đ/c kế toán theo dõi và kiểm tra việc xuất nhập thực phẩm hàng ngày.
- Kiểm tra các bếp ăn, cùng với y tế học đường lên kế hoạch theo dõi sức khỏe cho trẻ.
- Phụ trách công tác KĐCLGD; CSVC phục vụ ăn bán trú; Duyệt kế hoạch tổ chuyên môn nhà trẻ.
- Phối hợp với các lực lượng xã hội để chăm lo cho công tác chăm sóc nuôi dưỡng trẻ
- Phụ trách điểm trường Mễ Sơn.
- Cùng BGH dự giờ, kiểm tra hồ sơ sổ sách và xếp loại GV hàng tháng.
- Điều hành công việc khi hiệu trưởng ủy quyền.
- Các nhiệm vụ khác khi được phân công.
- Tổ chuyên môn.
* Phân công tổ trưởng phụ trách tổ:
- Tổ trưởng tổ mẫu giáo: Đ/c Lê Thị Hoa
- Tổ trưởng tổ nhà trẻ: Đ/c Mạc Thị Lương
Nhiệm vụ:
- Xây dựng kế hoạch hoạt động chung của tổ theo tuần, tháng, năm học nhằm thực hiện chương trình, kế hoạch nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ và các hoạt động giáo dục khác;
- Thực hiện bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kiểm tra, đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ và quản lý sử dụng tài liệu, đồ dùng, đồ chơi, thiết bị giáo dục của các thành viên trong tổ theo kế hoạch của nhà trường, nhà trẻ; Cùng với BGH dự giờ và duyệt giáo án.
- Quản lý giáo viên thuộc tổ mình phụ trách. Tham gia đánh giá, xếp loại giáo viên theo Chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non;
- Đề xuất khen thưởng, kỷ luật giáo viên.
- Tổ chức sinh hoạt tổ 2 lần/tháng
- Hàng tháng sinh hoạt tổ chuyên môn có báo cáo về nhà trường, có nhiệm vụ kiểm tra các lớp trong tổ của mình. Có ý kiến đề xuất với BGH về giáo viên trong tổ và thông báo CSVC của các lớp, có sự thay đổi phải báo cáo ngay về BGH giải quyết kịp thời.
4. Tổ văn phòng.
* Phân công tổ trưởng phụ trách tổ:
- Xây dựng kế hoạch hoạt động của tổ theo tuần, tháng, năm nhằm phục vụ cho việc thực hiện các hoạt động của nhà trường về chăm sóc, dinh dưỡng;
- Giúp hiệu trưởng quản lý tài chính, tài sản, lưu giữ hồ sơ của nhà trường.
- Thực hiện bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kiểm tra, đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc của các thành viên trong tổ theo kế hoạch của nhà trường.
- Tham gia đánh giá, xếp loại các thành viên.
- Hàng tháng sinh hoạt tổ định kỳ ít nhất hai tuần một lần, có báo cáo về nhà trường. Có ý kiến đề xuất với BGH về công việc, các thành viên trong tổ khi có sự thay đổi phải báo cáo ngay về BGH giải quyết kịp thời.
5. Giáo viên.
- Bảo vệ an toàn sức khoẻ, tính mạng của trẻ trong thời gian trẻ ở trường.
- Lập kế hoạch chăm sóc giáo dục trẻ, đánh giá và quản lý trẻ, chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục trẻ.
- Trau dồi đạo đức, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; Gương mẫu, thương yêu trẻ em, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của trẻ em; Bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của trẻ em; Đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp.
- Tuyên truyền phổ biến kiến thức khoa học nuôi dạy trẻ em cho cha mẹ trẻ. Chủ động phối hợp với gia đình trẻ để thực hiện mục tiêu giáo dục trẻ em.
- Rèn luyện sức khỏe; Học tập văn hoá; Bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
- Thực hiện các nghĩa vụ công dân, các quy định của pháp luật và của ngành, các quy định của nhà trường, quyết định của Hiệu trưởng.
- Có đầy đủ các loại hồ sơ sổ sách theo quy định và phải soạn bài trước 3 ngày.
- Nghỉ phải có lý do chính đáng được sự đồng ý của hiệu trưởng mới được nghỉ. Khi cán bộ, giáo viên, nhân viên bị ốm hoặc gia đình có công việc phải nghỉ từ 2 đến 3 ngày trở lên thì phải có đơn xin phép trước khi nghỉ một ngày. Khi tổ CM bố trí dạy thay và BGH cho phép thì mới được nghỉ. Nếu nghỉ đột xuất 1 buổi thì báo bằng điện thoại cho BGH, tổ trưởng và viết đơn xin phép sau.
- Đi họp đúng giờ, họp hội đồng, sinh hoạt chuyên môn phải có sổ sách ghi chép đầy đủ, một tháng dự giờ bạn từ 1 – 2 tiết, có sổ dự giờ cá nhân..
- Không đi muộn về sớm, không làm việc riêng trong giờ làm việc, không nhận trẻ không có tên trong danh sách vào lớp, không trả trẻ cho người lạ mặt.
- Cháu đi học phải khỏe mạnh (Không đón cháu ốm vào lớp đi học) phát hiện cháu ốm hoặc tai nạn phải đưa đi ngay bệnh xá, bệnh viện và báo ngay cho gia đình trẻ...
- Luôn vệ sinh trong và ngoài lớp sạch sẽ và có đủ nước sạch và đảm bảo vệ sinh cho trẻ sinh hoạt, nước đun sôi để nguội cho trẻ uống, thường xuyên hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn. Kết hợp với Trung tâm y tế thị xã, Trạm y tế phường khám, cân, đo và theo dõi sự phát triển của trẻ trên biểu đồ tăng trưởng.
- Họp phụ huynh 1 năm 3 lần và thường xuyên tham gia đóng góp ý kiến với BGH và công đoàn xây dựng trường thành một gia đình lớn.
- Đến lớp đúng giờ quy định, phải có thái độ ân cần đúng mực với phụ huynh. Yêu quý và tôn trọng trẻ, coi trọng trẻ như con đẻ của mình, không được đánh, phạt, xúc phạm trẻ. Cô tạo cho trẻ cảm giác trẻ ăn ngon miệng, thoải mái, động viên trẻ ăn hết khẩu phần ăn của mình. Không bớt xén khẩu phần ăn của trẻ.
- Thực hiện đúng nội qui, qui định của Nhà trường. Tham gia vào các hoạt động của nhà trường do hiệu trưởng phân công.
6. Nhân viên.
6.1 Kế toán:
- Sử dụng tốt chế độ tài chính kế toán, các thông tin được cập nhật qua mạng Internet.
- Thực hiện đầy đủ chức trách của kế toán theo quy định của ngành một cách chính xác, không sai sót.
- Chịu trách nhiệm thanh quyết toán nguồn chi lương và các khoản chi trong tháng, cập nhật hàng ngày không để tồn đọng chứng từ.
- Đảm bảo chế độ thu, chi cân đối hàng tháng, tổng hợp quyết toán dứt điểm để khóa sổ.
- Các loại sổ sách chứng từ thu, chi rõ ràng, không tẩy xóa, vào sổ sạch đẹp và khoa học.
- Làm tốt công tác tham mưu cho hiệu trưởng, lên kế hoạch xin kinh phí, các chế độ nâng lương, lập kế hoạch dự toán thu, chi hàng tháng quyết toán với kho bạc tài chính.
- Thực hiện công tác kiểm kê tài sản các nhóm lớp, các phòng chức năng của nhà trường, đánh giá khấu hao tài sản, lập sổ theo dõi và quản lý theo quy định.
- Làm tốt công tác báo cáo thông tin 2 chiều.
- Quản lý, kiểm tra sĩ số trẻ báo ăn, thực phẩm hàng ngày của bếp ăn, chịu trách nhiệm lập, theo dõi và quản lý, sử dụng xuất - nhập kho thực phẩm, vật tư tiêu hao.
- Tham gia vào các hoạt động của nhà trường do hiệu trưởng phân công.
6.2 Văn thư - thủ quỹ:
- Hàng ngày làm công tác tiếp phẩm, vệ sinh, nấu nước văn phòng.
- Tổ chức việc tiếp nhận công văn giấy tờ, báo cáo hiệu trưởng và phân phối đầy đủ nhanh chóng chính xác đến đúng địa chỉ mà hiệu trưởng yêu cầu. Sao in tài liệu kịp thời chính xác, đủ số lượng đảm bảo kĩ thuật, mĩ thuật và an toàn bí mật công văn tài liệu.
- Tổ chức công tác lưu trữ hồ sơ, công văn đến, đi.
- Tự mình thực hiện và bảo đảm cho GV, nhân viên văn phòng thực hiện tốt các quy định về bảo mật, bảo vệ nhà trường và bảo vệ tài sản, con dấu…
- Phục vụ tốt các điều kiện về cơ sở vật chất cho các hội nghị của nhà trường. Phục vụ các điều kiện vật chất khác cho cán bộ nhân viên nhà trường làm việc, sinh hoạt và đi lại. Làm tốt công tác đối nội, đối ngoại, tiếp khách theo đúng quy định.
- Lập sổ theo dõi mượn thiết bị giáo dục và quản lý theo quy định.
- Thực hiện chức trách của thủ quĩ theo quy định của ngành tài chính một cách chính xác, không để thất thoát công quỹ.
- Quản lý tiền mặt theo đúng nguyên tắc, không thâm hụt, thừa thiếu.
- Các chứng từ được cập nhật vào sổ hàng ngày, chứng từ chi có duyệt chi của chủ tài khoản, người mua, người bán, kế toán, thủ quỹ ký mới được xuất ra khỏi quỹ.
- Hàng tháng phải đối chiếu nguồn thu, chi giữa kế toán và thủ quỹ để quyết toán khóa sổ.
- Đảm bảo cấp phát tiền hàng tháng cho bảo vệ, nhân viên lao công, cấp dưỡng đúng, đủ.
- Thực hiện chế độ kiểm quỹ tiền mặt 3 tháng 1 lần, kiểm tra quỹ đột xuất khi có lệnh của hiệu trưởng.
- Tham gia vào các hoạt động của nhà trường do hiệu trưởng phân công.
6.3 Nhân viên y tế:
1. Quản lý và chăm sóc sức khoẻ cho trẻ em trong trong trường, cụ thể là:
a) Quản lý, lưu hồ sơ, sổ theo dõi sức khoẻ của trẻ;
b) Kết hợp với trung tâm y tế thị xã, trạm y tế phường tổ chức khám sức khỏe định kỳ và phân loại sức khoẻ cho trẻ một năm hai lần vào đầu mỗi học kỳ;
c) Phối hợp với giáo viên đo chiều cao, cân nặng, ghi và theo dõi sự phát triển của trẻ trên biểu đồ tăng trưởng, .
d) Sơ cứu, cấp cứu, chăm sóc sức khoẻ ban đầu theo quy định hiện hành của Bộ Y tế; Chuyển trẻ em bị tai nạn và ốm đau đột xuất đến cơ sở y tế trong trường hợp cần thiết;
2. Tổ chức thực hiện vệ sinh học đường, vệ sinh môi trường, phòng chống các dịch, bệnh, tật học đường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống tai nạn thương tích và thực hiện các hoạt động khác về y tế trường học.
3. Tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về công tác y tế trường học. Lồng ghép các nội dung giáo dục sức khoẻ, vệ sinh học đường, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường trong quá trình giảng dạy, tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ em.
4. Phối hợp với các đơn vị, tổ chức, đoàn thể trong trường, cơ sở y tế, các đơn vị liên quan tại địa phương triển khai, thực hiện các hoạt động y tế trường học và các hoạt động y tế khác, xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn.
5. Giám sát việc giao - nhận thực phẩm hàng ngày. Lưu, hủy mẫu thức ăn hàng ngày (Ghi sổ). Xuất nhập kho, chia thực phẩm. Ghi sổ kiểm thực 3 bước, sổ lưu mẫu TĂ. Chia thức ăn cho các lớp. Ghi tài chính công khai hàng ngày.
6. Tham gia vào các hoạt động của nhà trường do hiệu trưởng phân công.
6.4. Cô nuôi:
- Thực hiện nhiệm vụ được giao theo kế hoạch và sự phân công của hiệu trưởng.
- Thực hiện quy chế chuyên môn nghề nghiệp và chấp hành nội quy của nhà trường, bếp ăn.
- Bảo đảm an toàn cho trẻ trong ăn uống và sinh hoạt tại nhà trường. Tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến ăn uống cho trẻ, đảm bảo không để xảy ra ngộ độc đối với trẻ.
- Tham mưu với BGH xây dựng thực đơn phù hợp với trẻ, đảm bảo các chất dinh dưỡng.
- Rèn luyện sức khỏe, học tập văn hóa, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ * Bếp trưởng:
- Nhận thực phẩm
- Chia thức ăn cho các lớp.
- Quản lý mọi tài sản bếp ăn.
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong, ngoài bếp ăn.
- Ghi sổ giao nhận thực phẩm hàng ngày.
- Ghi tài chính công khai hàng ngày.
- Bếp ăn phải chế biến món ăn của nhà trường thực đơn, không tự ý đổi thực đơn mà không có sự đồng ý của nhà trường.
- Chịu trách nhiệm toàn bộ trước nhà trường về tình trạng ngộ độc thức ăn, nước uống xảy ra tại lớp.
6.5. Bảo vệ: Trách nhiệm quyền hạn đã được qui định cụ thể trong bản hợp đồng riêng với từng đồng chí.
Điều 9: Các đoàn thể trong nhà trường
- Tổ chức các hoạt động ở trường theo kế hoạch cấp trên và kế hoạch của Nhà trường.
- Phối hợp với Nhà trường trong việc tổ chức, thực hiện qui chế dân chủ.
- Nâng cao chất lượng sinh hoạt của các đoàn thể, dân chủ, bàn bạc các chủ trương, biện pháp thực hiện các nhiệm vụ của Nhà trường theo đúng tinh thần nghị quyết số:04/2000-GD-BGD&ĐT của Bộ giáo dục về thực hiện qui chế dân chủ trong hoạt động của Nhà trường.
- Thực hiện nhiệm vụ và hoạt động theo điều lệ của của các tổ chức Đoàn thể và sự lãnh đạo của Đảng và Đoàn thể cấp trên.
- Phối hợp với nhà trường trong việc tổ chức thực hiện quy chế dân chủ và trong các hoạt động giáo dục.
- Người đứng đầu các đoàn thể có biện pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt của đoàn thể, dân chủ bàn bạc các chủ trương, biện pháp thực hiện các nhiệm vụ của nhà trường. Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Xây dựng nội dung chuẩn đánh giá công tác thi đua (học kỳ, năm học). Động viên các thành viên hăng hái lao động, học tập và tích cực thi đua. Quản lý qũy phúc lợi tự có của nhà trường.
- Ban thanh tra nhân dân có trách nhiệm thực hiện chức năng giám sát công tác quản lý nhà trường, giám sát thực hiện chế độ chính sách và việc thực hiện quy chế dân chủ, phát hiện những vi phạm quy chế dân chủ trong nhà trường đề nghị hiệu trưởng giải quyết.
Điều 10: Ban đại diện PHHS (Hội phụ huynh học sinh)
- Mỗi lớp có một ban đại diện PHHS, số lượng ban đại diện PHHS của lớp có 2 hoặc 3 người. Toàn trường thành lập Ban đại diện PHHS của trường. Trong đó có 01 trưởng ban; 02 phó ban (01 phó ban làm thủ quỹ trong ban liên lạc) và các ủy viên. Nhiệm kỳ của Hội cha mẹ học sinh là một năm học.
- Ban đại diện PHHS có trách nhiệm thu thập ý kiến đóng góp của cha mẹ HS để cùng nhà trường giải quyết những nội dung công việc có liên quan đến sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình HS trong việc giáo dục HS.
- Vận động các bậc cha mẹ HS thực hiện các chủ trương, chính sách, chế độ mà HS được hưởng hoặc nghĩa vụ HS phải đóng góp theo qui định và các hoạt động xã hội hóa giáo dục ở địa phương, để tăng cường CSVC trường học.
- Trực tiếp phản ánh, trao đổi, đóng góp ý kiến với nhà trường, GVCN về các vấn đề có liên quan đến công tác giáo dục trong nhà trường.
Điều 11: Hành vi, ngôn ngữ ứng xử, trang phục giáo viên và học sinh:
* Giáo viên:
- Hành vi, ngôn ngữ ứng xử giáo viên phải chuẩn mực, có tác dụng giáo dục đối với học sinh.
- Trang phục giáo viên phải chỉnh tề, phù hợp với hoạt động sư phạm, theo quy định.
- Xây dựng môi trường văn hóa và thân thiện trong nhà trường, thân thiện trong giao tiếp với đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh.
* Học sinh:
- Hành vi, ngôn ngữ ứng xử phải lễ phép với cô giáo, người lớn tuổi, thân thiện với bạn bè.
- Trang phục chỉnh tề, phù hợp với học sinh;
Điều 12: Những việc CB - GV –NV không được làm:
- Uống rượu, bia và sử dụng các chất kích thích khác, khi đang tham gia các hoạt động giáo dục trong nhà trường; sử dụng điện thoại khi đang giảng dạy trên lớp, trong hội họp.
- Sử dụng thời gian làm việc, giảng dạy vào việc riêng, nói chuyện riêng, làm mất trật tự… khi hội họp.
- Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể học sinh và đồng nghiệp; gian lận trong thi cử, kiểm tra, đánh giá, tuyển sinh và dạy thêm trái qui định.
- Xuyên tạc nội dung giáo dục, dạy sai nội dung kiến thức, không đúng với quan điểm, đường lối giáo dục của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Bỏ giờ, bỏ buổi dạy, tùy tiện cắt xén chương trình giáo dục.
- Vi phạm ATGT. Sinh con thứ 3.
Điều 13: Khen thưởng – kỷ luật:
- CB-GV-NV và HS có thành tích được khen thưởng các danh hiệu theo tiêu chuẩn thi đua của nhà trường và cấp trên đề ra trong năm học.
- CB-GV-NV vi phạm các quy định thì tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo qui định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục và theo nội qui nhà trường .
- Nếu CB,GV,NV vi phạm sinh con thứ 3 thì phải chịu kỷ luật trước Hội đồng nhà trường, hạ thi đua và đề nghị lên cấp trên chuyển công tác hoặc phân công làm nhiệm vụ khác.
CHƯƠNG IV: THỜI GIAN LÀM VIỆC - CHẾ ĐỘ HỘI HỌP – THÔNG TIN BÁO CÁO
Điều 14: Thời gian làm việc
1. Thời gian làm việc của trường (Kể cả thời gian đón trẻ sớm, trả trẻ muộn theo thỏa thuận và nhu cầu của phụ huynh).
- Mùa hè:
+ Sáng: Đón trẻ từ 6 giờ 30 phút
+ Chiều: Trả trẻ từ 16giờ 15 phút – 17 giờ 00 phút.
- Mùa đông:
+ Sáng: Đón trẻ từ 6 giờ 45 phút
+ Chiều: Trả trẻ từ 16giờ 00 phút – 17 giờ 00 phút.
2. Lịch làm việc của BGH.
Các ngày trong tuần từ thứ 2 đến thứ 6
- Hiệu trưởng: Phụ trách chung
- Hiệu phó 1 (Đ/c Hoa): Tuần 1 và tuần 3 trực các ngày thứ 2, 4, 6 hàng tuần khu trung tâm; thứ 3,5 hàng tuần điểm trường Mễ Sơn.Tuần 2 và tuần 4 trực các ngày thứ 2, 4, 6 hàng tuần điểm trường Mễ Sơn; thứ 3,5 hàng tuần khu trường Trung tâm.
- Hiệu phó 2 (Đ/c Dương): Tuần 1, 3 trực các ngày thứ 2, 4, 6 hàng tuần điểm trường Mễ Sơn; thứ 3,5 hàng tuần khu trung tâm.Tuần 2,4 trực các ngày thứ 2, 4, 6 hàng tuần khu trường Trung tâm; thứ 3,5 hàng tuần điểm trường Mễ Sơn.
Các ngày khác trong tuần có kế hoạch thăm lớp dự giờ , kiểm tra …
- Thứ 7 tuần 1 hàng tháng: Họp hội đồng, sinh hoạt chuyên môn.
Điều 15: Chế độ hội họp:
Mỗi cuộc họp do trường triệu tập phải có sự thống nhất của Hiệu trưởng. Qui định các cuộc họp thường xuyên trong tháng như sau :
- Họp BGH: Mỗi tuần 01 lần.
- Hội ý ban thường trực (BGH, CĐ, ĐTN, TTCM): Đột suất hoặc định kỳ trước khi họp Hội đồng nhà trường (Mỗi tháng một lần)
- Họp hội đồng nhà trường (HĐSP): Mỗi tháng 01 lần. Tất cả CB-GV-CNV đều tham dự đúng thời gian quy định. Họp vào tuần 1 hàng tháng.
- Họp chuyên môn: Mỗi tháng 02 lần. Tất cả CB-GV giảng dạy.
- Sinh hoạt tổ chuyên môn: 02 lần/tháng. Họp theo từng tổ, các thành viên trong tổ phải tham dự. Họp vào tuần 1 và tuần 3 hàng tháng.
- Riêng tổ văn phòng họp mỗi tháng 01 lần, ngoài ra có thể có các cuộc họp do Hiệu trưởng trù trì đột suất.
Điều 16: Thông tin báo cáo
1. Từ ngày 25 đến 28 hàng tháng các bộ phận có trách nhiệm báo cáo tháng với hiệu trưởng để xây dựng nghị quyết cho tháng sau.
2. Các nhóm lớp báo cáo sĩ số ra lớp vào đầu tháng trong buổi họp Hội đồng trường.
Hết học kỳ các lớp báo cáo sơ, tổng kết.
3. Trường mầm non Xuân Sơn có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh chế độ báo cáo thường xuyên hoặc đột xuất với PGD; theo qui định, các báo cáo phải do Hiệu trưởng hoặc Phó hiệu trưởng ký.
CHƯƠNG V: QUY ĐỊNH VỀ NGÀY CÔNG VÀ THI ĐUA, KỶ LUẬT
CỦA CBGVNV.
Điều 17: Về ngày công và thi đua
1. Thi đua trong 1 tháng được chia thành 4 loại:
- Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ( loại A): Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nghỉ có lý do không quá 2 ngày.
- Hoàn thành tốt nhiệm vụ ( loại B): Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nghỉ có lý do từ 2,5 ngày đến 3 ngày.
- Hoàn thành nhiệm vụ (loại C): Hoàn thành nhiệm vụ được giao, nghỉ có lý do từ 3,5 ngày đến 05 ngày, hoặc nghỉ thai sản.
- Chưa hoàn thành nhiệm vụ ( loại D): Chưa hoàn thành nhiệm vụ hoặc nghỉ có lý do từ 6 ngày trở lên hoặc nghỉ không có lý do từ 1h trở lên, làm thất thoát lớn tài sản nhà trường.
2. Thi đua trong 1 kỳ:
Thi đua trong một kỳ được tính điểm theo quy chế thi đua.
3. Thi đua cả 1 năm:
Thi đua trong 1 năm ngoài những tiêu chuẩn như thi đua kỳ còn tính thêm đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp đạt từ khá trở lên.
4. Về chế độ hội họp, giảng dạy trong năm:
Đi muộn 1 lần nhắc nhở, từ lần sau trừ điểm thi đua trong tháng.
Điều 18: Về ngày giờ công và kỷ luật
Nghỉ không có lý do 1h xếp loại D.
Nghỉ không có lý do 1 ngày cảnh cáo trước toàn trường.
Nghỉ không có lý do 2 ngày trở lên đề nghị kỷ luật.
CHƯƠNG VI: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH - TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 19: Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, cán bộ, viên chức trường mầm non Xuân Sơn và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quy chế này.
Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày 16/10/2017. Cán bộ, viên chức, người lao động trong nhà trường có trách nhiệm thực hiện tốt quy chế này.
Trong quá trình thực hiện thấy còn vấn đề gì chưa phù hợp hoặc đề xuất thì phản ánh với các tổ chuyên môn, các tổ tập hợp ý kiến đề xuất với lãnh đạo nhà trường xem xét để điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện./.
Nơi nhận: - Phòng GD&ĐT(b/c); - Công đoàn, Đoàn TN, tổ CM (t/h); - Lưu: VT. | HIỆU TRƯỞNG (Đã ký)
Dương Thị Bích Nhàn |
- Quy chế văn hóa công sở
- Quy tắc ứng xử trong nhà trường năm học 2017-2018
- Quy chế chi tiêu nội bộ
- Đội ngũ giáo viên năm học 2017-2018
- Kế hoạch công tác tháng 10/2017
- Kế hoạch tiếp dân giải quyết Khiếu nại-Tố cáo năm học 2017-2018
- Thông báo giờ đón trả trẻ năm học 2017-2018
- Lịch trực ban ngoài giờ của Ban giám hiệu tháng 10/2017
- Kế hoạch nhiệm vụ năm học 2017-2018
- Công khai hóa các thông tin theo thông tư 09/2009/TT-BGD&ĐT ngày 07/5/2009 năm học 2017-2018.
- CÔNG KHAI DỰ TOÁN THU - CHI NGÂN SÁCH NĂM 2017
- Bảng phân công nhiệm vụ CB, GV, NV năm học 207-2018
- Công khai thông tin cơ sở vật chất của cơ sở, năm học 2017 - 2018
- Thông báo : Cam kết chất lượng giáo dục năm học 2017-2018
- Lịch trực ban ngoài giờ của Ban giám hiệu tháng 9/2017